Sự nghiệp Phan Nhạc (Tây Tấn)

Thành tựu về chánh trị của Phan Nhạc chỉ có thời gian làm Lệnh của 2 huyện, nhưng thành tựu về văn chương của ông thì rất đáng kể.

Tấu nghị

Trong thời gian làm Hoài huyện lệnh, Phan Nhạc dâng lên Thượng khách xá nghị (上客舍议), kiến nghị thu các quán trọ về để chánh quyền quản lý, nhằm ức chế thương nghiệp. Triều đình nghe theo. Sử cũ chép đầy đủ bản tấu nghị này. [TT 9]

Phú

Số lượng bài phú của Phan Nhạc ngày nay không còn nhiều, nhưng nội dung đa dạng, thông qua một số tác phẩm tiêu biểu có thể nắm được đại lược thăng trầm trên đường đời và diễn biến trong nội tâm của ông:

  • Năm Thái Thủy thứ 4 (268) [14], Nhạc mới 22 tuổi, làm Tịch điền phú (藉田赋) để ca ngợi Tấn Vũ đế tiến hành nghi thức cày cấy Tịch điền. [TT 10] Nhạc nối dài truyền thống từ đời Hán, gởi gắm hoài bão chính trị của mình vào phú, nhưng tác phẩm này lại khiến ông chịu sự ganh ghét của người đời.
  • Ít lâu sau khi cha vợ là Dương Triệu mất (275), người bạn thuở thiếu thời và cũng là anh em cọc chèo của Phan Nhạc là Nhâm Tử Hàm (tên là Nhâm Hộ, tự Tử Hàm, thường được gọi tên tự) mất, ông làm Quả phụ phú (寡妇赋) để miêu tả tình cảnh cô quạnh của cô em vợ [16]. Bài phú này được Nhạc trước tác trong khoảng thời gian 10 năm chẳng có việc gì để làm, khiến ông không khỏi liên tưởng đến hoàn cảnh của bản thân.
  • Sau khi giành được chánh tích ở 2 huyện, Nhạc được triệu về kinh nhận chức, ông lập tức viếng mộ cha vợ và 2 anh vợ (Dương Đàm, Dương Hâm), gặp lúc gió tuyết bời bời, mộ địa rét buốt, cảm thán không thôi, làm nên Hoài cựu phú (怀旧赋).[17]
  • Không lâu sau cái chết của ngoại thích Dương Tuấn (291), Nhạc nhận chức Trường An lệnh, rời Lạc Dương đi về phía tây, tại nhiệm sở làm Tây chinh phú (西征赋), thuật lại di tích, sự kiện và nhân vật lịch sử của nơi này. [TT 11] Bài phú miêu thuật những thay đổi của vùng đất Quan Trung qua các đời Tần, Sở, Hán, khéo léo bộc lộ tâm trạng bất an trước thời cuộc biến động.
  • Trong thời gian chịu miễn quan vì mẹ bệnh, Nhạc tổng kết sự nghiệp chánh trị của mình, cảm thấy thất vọng, bèn làm Nhàn cư phú (闲居赋), [TT 12] miêu tả điều kiện sống hết sức tiêu dao, vui vẻ của mình. Điều này hoàn toàn tương phản với hành vi của Nhạc về sau, nên tác phẩm này chỉ có trình độ nghệ thuật cao, còn chủ đề thì không thật lòng.

Ai lụy

Nhạc rất giỏi thể văn Ai lụy, [TT 13] các thể con như Lụy (văn viếng vào ngày giỗ 1 năm), Ai từ (văn thương xót), Tế (văn điếu) đều có tác phẩm, ngày nay còn khoảng 20 bài, được Trương Phổ tập hợp trong Phan hoàng môn tập (潘黄门集, xem tại đây), đưa vào Hán Ngụy Lục triều bách tam gia tập (汉魏六朝百三家集).

Tác phẩm tiêu biểu là Dương Kinh Châu lụy (杨荆州诔, dành cho cha vợ là Dương Triệu) và Ai vĩnh thệ văn (哀永逝文, dành cho vợ).

Thơ

Hiện còn khoảng 52 bài, được Lục Khâm Lập (逯欽立) đưa vào Tiên Tần Hán Ngụy Tấn Nam bắc triều thi (先秦漢魏晉南北朝詩, xem tại đây).

Tác phẩm tiêu biểu là chùm 3 bài Điệu vong thi (悼亡诗) thương tiếc người vợ đã mất.

Liên quan